Hiển thị các bài đăng có nhãn đi bụi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đi bụi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Bí quyết chống say xe cho chuyến đi không kém vui

Sau một chuyến đi dài, cơ thể rơi vào trạng thái choáng váng, chóng mặt, buồn nôn. Bao nhiêu dự định không thể thực hiện vì bạn quá mệt mỏi. Bởi vậy, làm sao để không say xe luôn là mối quan tâm của mọi người khi ngồi trong ôtô.

Say xe là hiện tượng khá phổ biến, mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thể chất của từng cá nhân. Những người ít đi xe, trẻ em từ 2-12 tuổi, phụ nữ là những đối tượng dễ bị say xe. Người say thường chóng mặt, choáng váng, đứng không vững, mệt mỏi, buồn nôn.

Nguyên nhân do não nhận được các thông tin trái ngược nhau từ mắt và tiền đình, cơ quan chịu trách nhiệm về sự cân bằng của cơ thể. Đôi khi say chỉ là do tâm lý, nếu ai đó nghĩ rằng mình dễ bị say xe thì họ có nguy cơ mắc phải hiện tượng này cao hơn người khác.

Đối với một chuyến đi hàng trăm cây số, dù là người khỏe mạnh cũng cảm thấy mệt mỏi. Bởi vậy, chuẩn bị thể lực tốt trước khi đi là điều quan trọng.

say xe du lich

Trước và trong khi đi không nên ăn quá no hoặc uống các loại nước có ga vì chúng dễ gây cảm giác buồn nôn. Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn nhẹ, sử dụng các loại bánh quy khô, bánh mỳ để hút dịch dạ dày.

Nên nhai một nhánh gừng hoặc ngậm kẹo gừng, bởi chúng có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, giảm sự hoạt động của Histamine dẫn đến giảm co thắt cơ trơn, giảm dị ứng với các protein lạ, chống say xe.

Nếu bạn là người dễ say xe, hãy đề nghị với các bác tài cho mình ngồi phía trên, gần cửa thông gió. Ở trong xe nhìn ra ngoài, bạn luôn có cảm giác cảnh vật hai bên đường chạy giật lùi về phía sau. Càng nhìn vuông góc với xe thì tốc độ chạy giật lùi đó càng nhanh, bạn dễ bị chóng mặt hơn. Bởi vậy, hãy nhìn thẳng về phía trước.

Ngồi trong xe mấy tiếng đồng hồ thật buồn chán, chi bằng mang theo quyển sách để đọc lúc rảnh rỗi. Ý tưởng đó chắc chỉ xuất hiện ở những người lần đầu tiên đi xa. Đọc sách trên xe khiến tầm nhìn của bạn cố định, trong khi tai và cơ thể lại thu được tín hiệu chuyển động, bởi thế bạn sẽ chóng mặt.

Nghe nhạc hoặc nói chuyện với mọi người xung quanh sẽ giúp bạn phân tâm, quên đi cảm giác say và mệt mỏi.

Giải pháp dùng bông bịt tai, đáp khăn lạnh lên trán và chìm vào giấc ngủ sẽ làm hành trình ngắn lại và là cách giữ sức tốt nhất.

Cuối cùng là sử dụng thuốc chống say. Đối với những người không muốn uống thuốc có thể sử dụng miếng dán dưới tai.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch

Giữ sức khỏe là điều rất quan trọng trên hành trình vi vu xa nhà của bạn. Đến một địa danh xa nơi ở của bạn, khí hậu thổ nhưỡng đổi khác, các món ăn lạ lẫm cộng với sự mệt mỏi khi di chuyển xa rất dễ khiến bạn bị ốm. Sau đây xin chia sẻ một số thông tin hữu ích giúp bạn bảo vệ sức khỏe trong chuyến du lịch của mình.

Những vấn đề thường gặp về sức khỏe

3 vấn đề thường gặp nhất khi di chuyển xa là say tàu xe, say nắng, tiêu chảy, mệt mỏi do lệch múi giờ (nếu đi nước ngoài).

Chống say tàu xe. Trước khi đi nên ăn nhẹ, không để cơ thể quá đói hoặc quá no vì dễ kích thích niêm mạc dạ dày. Không dùng đồ uống có gas, không uống rượu trước và trong khi đi. Có thể dùng thuốc chống say xe: 30 phút trước khi khởi hành nên uống một viên, nếu cần bốn giờ sau có thể uống lại; hoặc dán miếng chống say ở sau tai.

suc khoe du lich

Say nắng. Ánh nắng chói chang khiến bạn mất sức rất nhanh trên đường đi. Vì vậy, khi đi nắng cần đội nón rộng vành. Luôn đem theo chai nước để uống khi khát.

Tiêu chảy. Bị tiêu chảy khi đi du lịch có thể là một vấn đề khá nghiêm trọng, làm chuyến đi trở nên mệt mỏi với bạn. Tình trạng này xảy ra khi một loại vi khuẩn gây tiêu chảy xâm nhập vào hệ tiêu hóa của bạn, thường là khi bạn ăn hoặc uống những thứ lạ, không đảm bảo vệ sinh. Cách tốt nhất để phòng tiêu chảy là hết sức cẩn thận với thực phẩm và nước uống suốt dọc hành trình.

Mệt mỏi do lệch múi giờ. Những cuộc di chuyển qua nhiều múi giờ sẽ làm đảo lộn đồng hồ sinh học của bạn, có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi, mất ngủ và mệt mỏi. Để đối phó với tình trạng này, sau chuyến đi dài, hãy tản bộ, hít thở thật nhiều khí trời ở nơi bạn đến, hạn chế nằm bẹp trong phòng kín.

Mẹo bảo vệ sức khỏe trong ăn uống

Thực phẩm nào an toàn nhất đối với bạn? Đó là tất cả những gì đã được đun sôi cũng như trái cây và rau đã đến độ thu hoạch trước khi được chế biến. Tuyệt đối tránh ăn những thực phẩm chưa qua nấu nướng.

Ngoài ra, bạn cũng nên cẩn thận trước những món ăn phải thao tác nhiều lần bằng tay, thực phẩm để không hợp vệ sinh, tránh những nơi không có đủ nước sạch để rửa chén bát, cẩn thận với rau sống, nước đá… Với nước uống, nếu không tin tưởng vào nguồn nước tại nơi bạn đến, tốt nhất hãy uống nước đóng chai của nhãn hiệu mà bạn tin tưởng.

du-lich-an-toan

Chuẩn bị những loại thuốc thông thường

Hãy mang theo một vài loại thuốc, cồn và bông gạc y tế, có thể sẽ rất hữu ích cho bạn. Thuốc mang theo có thể bao gồm: Thuốc giảm đau, kháng sinh, trị tiêu chảy, oresol, thuốc chống dị ứng, vitamin, dầu gió, trà gừng, thuốc sát trùng mắt Nacl…

Lưu ý khác

Nhớ rửa tay sạch trước khi ăn. Bạn hãy mang theo một bình nước, một bánh xà phòng, khăn giấy đề phòng nơi đến không có sẵn.

Chuẩn bị vài loại thực phẩm khô để ăn ngay khi đói bụng.

Bạn nên mặc những loại quần áo gọn gàng, nhưng cũng phải thoải mái, dễ cử động. Không nên mặc những loại quần áo quá bó, quá chật vì có thể ảnh hưởng tới lưu thông máu. Về chất liệu, chọn loại thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt sẽ có lợi cho sức khoẻ.

Những ngày nắng chói chang chỉ nên tắm biển trước 10h00 và sau 16h00. Dùng kem chống nắng xoa lên da 30 phút trước khi ra nắng và xoa lại sau 2-3 giờ. Cần đeo kính bảo vệ mắt (chọn loại kính có thể lọc được tia tử ngoại).

Đến những nơi khí hậu lạnh, bạn cần giữ ấm cơ thể, mang vớ, tất và khăn quàng đầy đủ để phòng chống cảm cúm.